![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_a2ec7751569646d18e0a0d5a9f1cba12~mv2.png/v1/fill/w_980,h_493,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/53e601_a2ec7751569646d18e0a0d5a9f1cba12~mv2.png)
Sức mạnh tương đối là gì?
Sức mạnh tương đối là một chiến lược được sử dụng trong đầu tư động lượng và xác định giá trị cổ phiếu. Nó tập trung vào việc đầu tư vào cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư tốt hơn so với toàn thị trường hoặc một chỉ số. Ví dụ: một nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối có thể chọn các công ty công nghệ có kết quả tốt hơn chỉ số tổng hợp Nasdaq hoặc các cổ phiếu có mức tăng vượt trội so với chỉ số S&P 500.
Các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng chỉ báo có tên gọi chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) để xác định các tín hiệu quá mua hoặc quá bán.
CÁC NỘI DUNG CHÍNH
- Sức mạnh tương đối là một phương pháp đầu tư động lượng được sử dụng bởi các nhà phân tích kỹ thuật và các nhà đầu tư giá trị.
- Nó bao gồm việc lựa chọn các khoản đầu tư đang hoạt động tốt hơn thị trường hoặc các chỉ số thị trường.
- Các nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối giả định rằng xu hướng hoạt động tốt hơn của cổ phiếu sẽ tiếp tục. Nếu xu hướng đảo ngược, khoản đầu tư của họ có thể sẽ thua lỗ.
Hiểu về sức mạnh tương đối
Trong khi mục tiêu của đầu tư giá trị là mua thấp và bán cao, mục tiêu của đầu tư theo sức mạnh tương đối là mua cao và bán cao hơn nữa. Do đó, các nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối sẽ giả định rằng các xu hướng đang có trên thị trường sẽ tiếp tục kéo dài đủ lâu để đem lại cho họ lợi nhuận. Bất kỳ sự đảo chiều đột ngột nào đối với xu hướng trên sẽ dẫn đến kết quả xấu.
Để xác định các ứng cử viên cho danh mục đầu tư, các nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối bắt đầu bằng cách quan sát một chỉ số thị trường, ví dụ như Chỉ số tổng hợp Nasdaq. Sau đó, họ sẽ xem xét những công ty nào trong thị trường của chỉ số đó đã vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành, dựa trên việc giá cổ phiếu của công ty đó tăng mạnh hơn hoặc giảm ít hơn so với các công ty cùng ngành.
Bởi vì đầu tư theo sức mạnh tương đối giả định rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục trong tương lai, nó có hiệu quả nhất trong các giai đoạn ổn định với ít biến động nhất. Ngược lại, các giai đoạn hỗn loạn như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 có thể gây nguy hiểm cho các nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối, vì chúng có thể dẫn đến sự đảo chiều lớn đối với xu hướng đầu tư. Trong những tình huống đó, tâm lý nhà đầu tư có thể đột ngột đảo ngược, khi mà những khoản đầu tư đầy lợi nhuận ngày hôm trước bỗng nhiên giảm mạnh trong hôm nay.
Mặc dù đầu tư theo động lượng thường được áp dụng với các cổ phiếu riêng lẻ, nó cũng có thể được áp dụng cho toàn bộ thị trường hoặc các quỹ chỉ số hay quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa theo các ngành. Tương tự, các nhà đầu tư có thể thực hiện các khoản đầu tư dựa trên sức mạnh tương đối vào các loại tài sản khác, chẳng hạn như bất động sản, thông qua quỹ tín thác bất động sản (REIT). Phương pháp này cũng có thể được áp dụng đối với các công cụ phức tạp hơn, chẳng hạn như hợp đồng tương lai hàng hóa, quyền chọn và các sản phẩm phái sinh khác.
Quan trọng: Đầu tư theo sức mạnh tương đối cũng có thể được sử dụng như một phần của chiến lược lớn hơn, chẳng hạn như giao dịch theo cặp.
Ví dụ thực tiễn về áp dụng sức mạnh tương đối
Harry là một nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối, anh luôn theo dõi sát sao giá trái phiếu doanh nghiệp và chỉ số S&P 500. Danh mục đầu tư của anh bao gồm quỹ chỉ số S&P 500 và quỹ ETF dựa trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Là một nhà đầu tư theo trường phái sức mạnh tương đối, anh định kỳ tăng phân bổ nguồn vốn đối với bất kỳ tài sản nào hoạt động tốt hơn tại thời điểm đó. Khi làm vậy, anh hy vọng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tiếp tục hoạt động tốt của tài sản đó, qua đó thu được lợi nhuận từ việc mua cao và bán cao hơn.
Trong những tháng gần đây, anh nhận thấy rằng các nhà đầu tư dường như đang tăng phân bổ trái phiếu trong danh mục đầu tư của họ và hạ tỷ trọng cổ phiếu. Dòng tiền vào thị trường trái phiếu đã làm tăng giá trái phiếu và giảm lợi tức.
Kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, Harry phản ứng bằng cách cắt giảm khoản đầu tư vào S&P 500 và tăng khoản đầu tư vào quỹ ETF trái phiếu doanh nghiệp. Anh hy vọng sẽ được hưởng lợi từ mức tăng tốt hơn trong tương lai của trái phiếu so với cổ phiếu.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Các nhà giao dịch kỹ thuật và các nhà giao dịch ngắn hạn cũng tham khảo sức mạnh tương đối. Trong phân tích kỹ thuật, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) là một chỉ báo động lượng đo mức độ thay đổi giá gần đây để đánh giá tình trạng quá mua hoặc quá bán đối với giá cổ phiếu hoặc tài sản khác. RSI được hiển thị dưới dạng một chỉ báo dao động (một đồ thị dạng đường di chuyển giữa hai điểm cực trị) và có giá trị từ 0 đến 100. Chỉ số này ban đầu được phát triển bởi J. Welles Wilder Jr. và được giới thiệu trong cuốn sách xuất bản năm 1978 của ông, "Các khái niệm mới trong Hệ thống Thương mại Kỹ thuật. "
Cách giải thích và sử dụng RSI truyền thống là các giá trị từ 70 trở lên cho thấy rằng một chứng khoán đang trở nên mua quá mức hoặc được định giá quá cao và có thể được ưu tiên cho sự đảo ngược xu hướng hoặc điều chỉnh giảm giá. Chỉ số RSI từ 30 trở xuống cho thấy tình trạng bán quá mức hoặc định giá thấp.
コメント