Các công ty chứng khoán thường có hoạt động kinh doanh đặc thù, khác biệt với các doanh nghiệp thương mại, sản xuất thông thường; do đó nhà đầu tư cũng cần lưu ý nhiều hơn trong quá trình phân tích và chọn lọc cổ phiếu tốt để đầu tư cho riêng mình. Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có khá nhiều công ty chứng khoán đã niêm yết, trải dài từ nhóm vốn hóa lớn (SSI, VND) tới nhóm vốn hóa nhỏ (VIG, AAS). Bài viết này sẽ chỉ ra những bước phân tích và lưu ý chung khi tiếp cận với một công ty chứng khoán điển hình.
Đặc điểm hoạt động kinh doanh của CTCK
Tùy vào chiến lược và mô hình hoạt động mà mỗi CTCK sẽ có các hoạt động kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, một CTCK điển hình sẽ có 4 nghiệp vụ kinh doanh chính: môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh và ngân hàng đầu tư. Trong đó:
+ Hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ có quan hệ chặt chẽ với nhau và phụ thuộc nhiều vào thanh khoản chung của thị trường. Các CTCK sẽ có hoạt động môi giới khả quan khi thị trường giao dịch sôi động với thanh khoản cao và ngược lại, sẽ kém khả quan trong điều kiện thị trường trầm lắng với thanh khoản thấp. CTCK có thị phần môi giới lớn thường cũng sẽ có doanh thu lớn từ hoạt động cho vay ký quỹ.
Hoạt động cho vay ký quỹ cũng bị hạn chế bởi quy mô vốn chủ sở hữu của CTCK. Theo quy định của pháp luật, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của một CTCK. Do vậy, khi thị trường tăng trưởng quá nóng, các CTCK thường có xu hướng tăng vốn để nâng hạn mức dư nợ cho vay ký quỹ và tăng doanh thu từ mảng nghiệp vụ này.
+ Nghiệp vụ tự doanh phụ thuộc nhiều vào chất lượng nhân viên quản lý danh mục của CTCK. CTCK sẽ có thu nhập lớn từ nghiệp vụ này nếu danh mục tự doanh của công ty tăng trưởng tốt và ngược lại. Thu nhập từ nghiệp vụ tự doanh là không ổn định và phụ thuộc nhiều vào những yếu tố chủ quan như phân tích của nhân viên quản lý danh mục, tăng trưởng chung của thị trường.
+ Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư bao gồm việc tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu, tư vấn tài chính doanh nghiệp, các giao dịch M&A, IPO… Đây là mảng nghiệp vụ đang được nhiều CTCK định hướng mở rộng phát triển trong tương lai do tiềm năng của thị trường Việt Nam và đem lại một nguồn doanh thu dồi dào với chi phí thấp cho CTCK.
Nhìn chung, một CTCK hoạt động ổn định và ít rủi ro sẽ có tỷ lệ thu nhập từ hoạt động môi giới và ngân hàng đầu tư cao, tăng trưởng đều và ít phụ thuộc vào hoạt động tự doanh.
Chất lượng tài sản của CTCK
Tương tự như đối với ngân hàng, chất lượng tài sản mà cụ thể là chất lượng tài sản tài chính là 1 yếu tố quan trọng khi phân tích một CTCK. Nhìn từ BCTC ta có thể thấy bên cạnh những tài sản tài chính thông thường tương tự các doanh nghiệp khác, CTCK có thêm 3 loại TSTC đặc biệt là (i) TSTC ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), (ii) các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và (iii) các tài sản tài chính sẵn sang để bán (AFS).
i.TSTC ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) bao gồm các khoản đầu tư tài chính phần lớn từ nghiệp vụ tư doanh của CTCK. Các TSTC tại mục này được ghi nhận theo thị giá; do đó, dù được thực hiện hay chưa, CTCK đều được ghi nhận lãi/lỗ theo chênh lệch giữa thị giá và giá vốn của khoản đầu tư.
ii.Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) chủ yếu bao gồm các hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng, trái phiếu của CTCK. Cần lưu ý là một vài CTCK có nghiệp vụ kinh doanh nguồn vốn như SSI, VND sẽ có HTM rất lớn và nợ vay lớn tương đương. Nợ vay lớn không có nghĩa là những CTCK này rủi ro hơn những CTCK không có nghiệp vụ kinh nguồn vốn khác.
iii.TSTC sẵn sang để bán (AFS) bao gồm các khoản đầu tư tài chính chỉ được hạch toán lãi/lỗ khi được bán. Lãi/lỗ chưa được thực hiện sẽ được ghi nhận tại thu nhập toàn diện khác (Other comprehensive income) và sẽ được chuyển vào hạch toán tại doanh thu hoạt động khi khoản đầu tư được bán.
Việc phân loại chứng khoán thuộc FVTPL và AFS phụ thuộc nhiều vào quy định riêng của từng CTCK nhưng nhìn chung không gây ảnh hưởng nhiều tới tổng lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp.
Phương pháp định giá CTCK
Do đặc thù kinh doanh phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng chung của thị trường, việc dự phóng dòng tiền với CTCK không đem lại hiệu quả cao. Phương pháp định giá thường dung với CTCK bao gồm (i) phương pháp tiếp cận từ thị trường (sử dụng các chỉ số P/B, P/E) và (ii) phương pháp định giá từng phần (SoTP – Sum of the part).
i.Phương pháp tiếp cận từ thị trường: sử dụng các chỉ số số nhân giá như P/B, P/E để xác định giá trị hợp lý cho CTCK so với các đối thủ (peers) trong ngành.
ii.Phương pháp định giá từng phần (SoTP): sử dụng nhiều phương pháp khác nhau cho từng mảng nghiệp vụ và kết hợp lại để có được giá trị cuối cùng của CTCK. Trong đó:
+ Nghiệp vụ môi giới: có thể sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) dựa vào dự phóng mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán và thị phần của CTCK đó trong những năm tiếp theo.
+ Nghiệp vụ cho vay ký quỹ: có thể sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) với dự phóng doanh thu từ quy mô vốn chủ sở hữu và kế hoạch tăng vốn của CTCK kết hợp với dự phóng mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những năm tiếp theo; hoặc sử dụng dữ liệu từ BCTC để tính toán nguồn dư nợ cho vay trung bình của CTCK đó.
+ Nghiệp vụ tự doanh: dựa vào dữ liệu từ BCTC cho danh mục các tài sản tài chính FVTPL, AFS và HTM của CTCK để dự phóng doanh thu từ nghiệp vụ này theo tỷ trọng danh mục.
+ Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư: Phần lớn hoạt động ngân hàng đầu tư tại các CTCK Việt Nam hiện tại tập trung nhiều vào 2 mảng nghiệp vụ chính là tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu và IPO. Doanh thu từ nghiệp vụ ngày có thể được dự phóng từ thị phần của CTCK và quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và IPO của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Comments