![](https://static.wixstatic.com/media/3d02c0_733f1a3408c34bdcacb630fea834cdff~mv2.jpg/v1/fill/w_750,h_373,al_c,q_80,enc_auto/3d02c0_733f1a3408c34bdcacb630fea834cdff~mv2.jpg)
Mô hình vai-đầu-vai là gì?
Mô hình vai-đầu-vai là một mẫu hình xuất hiện dưới dạng đường cơ sở với ba đỉnh, hai đỉnh bên ngoài có chiều cao gần nhau và đỉnh giữa cao nhất. Trong phân tích kỹ thuật, mô hình vai-đầu-vai dự đoán sự đảo ngược xu hướng từ tăng sang giảm.
Mô hình vai-đầu-vai được cho là một trong những mô hình đảo chiều xu hướng đáng tin cậy nhất. Đây là một trong số các mẫu hình hàng đầu báo hiệu, với các mức độ chính xác khác nhau, rằng xu hướng tăng sắp kết thúc.
Hiểu về mô hình vai-đầu-vai
Mô hình vai-đầu-vai hình thành khi giá cổ phiếu tăng lên đến đỉnh và sau đó giảm trở lại mức bắt đầu của động thái tăng trước đó. Sau đó, giá một lần nữa tăng đến đỉnh thứ hai vượt đỉnh cũ để tạo thành "đầu", rồi lại giảm trở lại mức bắt đầu. Cuối cùng, giá cổ phiếu tăng trở lại nhưng chỉ đạt đến mức của đỉnh đầu tiên trước khi giảm trở lại mức bắt đầu hoặc đường viền cổ của mẫu hình một lần nữa.
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_3bf27a218ff649919945bb8c769a6be4~mv2.png/v1/fill/w_602,h_535,al_c,q_85,enc_auto/53e601_3bf27a218ff649919945bb8c769a6be4~mv2.png)
Mô hình vai-đầu-vai cho bạn biết điều gì?
Mô hình vai-đầu-vai bao gồm ba giai đoạn:
Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài, giá tạo đỉnh và sau đó giảm xuống để tạo thành đáy.
Giá tăng trở lại để tạo thành đỉnh thứ hai, cao hơn đỉnh ban đầu rồi quay đầu giảm.
Giá tăng lần thứ ba, nhưng chỉ đến mức của đỉnh đầu tiên, trước khi giảm trở lại.
Đỉnh thứ nhất và thứ ba được gọi là các vai còn đỉnh thứ hai là đầu. Đường thẳng nối đáy thứ nhất và đáy thứ hai được gọi là đường viền cổ.
Mô hình vai đầu vai nghịch đảo cũng là một chỉ báo đáng tin cậy, báo hiệu rằng xu hướng giảm sắp đảo ngược thành xu hướng tăng. Trong trường hợp này, giá cổ phiếu tạo ba đáy liên tiếp, xen kẽ bởi các đợt phục hồi tạm thời. Trong số này, đáy thứ hai là thấp nhất (đầu) trong khi đáy thứ nhất và thứ ba hơi nông hơn (vai). Đợt phục hồi cuối cùng sau đợt giảm thứ ba báo hiệu rằng xu hướng giảm đã đảo ngược và giá có khả năng tiếp tục tăng lên.
Trò chơi kéo co
Giá cổ phiếu là kết quả của những trò chơi kéo co liên tục diễn ra; Giá cổ phiếu tăng hay giảm là kết quả trực tiếp của số lượng người trong mỗi đội. Những người tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng lên được gọi là phe bò (hay phe tăng giá) và những người tin rằng cổ phiếu sẽ đi xuống được gọi là phe gấu (hay phe giảm giá). Nếu càng nhiều người nắm giữ cổ phiếu theo phe gấu, thì giá của cổ phiếu đó sẽ giảm xuống khi họ bán cổ phiếu của mình. Nếu có nhiều người thuộc phe bò, thì giá sẽ tăng khi các nhà đầu tư mới mua vào để tận dụng cơ hội.
Vai-đầu-vai nghịch đảo
Đối lập với mô hình vai-đầu-vai là mô hình vai-đầu-vai nghịch đảo, còn được gọi là vai-đầu-vai ngược. Mô hình này được xác định khi hành động giá của cổ phiếu đáp ứng các đặc điểm sau: Giá giảm xuống đáy và sau đó tăng lên; Sau đó, giá giảm xuống thấp hơn mức đáy cũ và sau đó tăng trở lại; Cuối cùng, giá giảm một lần nữa nhưng không xa bằng mức đáy thứ hai. Sau khi tạo đáy cuối cùng, giá sẽ hướng lên trên, tới mức kháng cự gần vùng đỉnh của các đáy trước đó.
Diễn giải tâm lý thị trường trong mô hình vai-đầu-vai
Giống như tất cả các mẫu biểu đồ, các đỉnh và đáy của mô hình vai-đầu-vai kể một câu chuyện rất cụ thể về cuộc chiến giữa phe mua và phe bán.
Đỉnh ban đầu và đợt giảm tiếp sau đó đại diện cho đà suy yếu của xu hướng tăng giá trước đó. Vì muốn duy trì xu hướng tăng càng lâu càng tốt, phe mua sẽ đẩy giá vượt qua đỉnh ban đầu để đạt đến mức cao mới (phần đầu). Tại thời điểm này, vẫn có khả năng phe mua đã thắng và cổ phiếu sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Tuy nhiên, một khi giá đã giảm lần thứ hai xuống thấp hơn mức đỉnh ban đầu, rõ ràng là phe bán đang thắng thế. Phe mua lúc này sẽ cố gắng một lần nữa để đẩy giá lên, nhưng lực đẩy này chỉ đủ để chạm mức đỉnh ban đầu. Việc phe mua không thể vượt qua đỉnh cao nhất báo hiệu sự thất bại của xu hướng tăng. Lúc này phe bán sẽ tiếp quản xu hướng và đẩy giá xuống, hoàn thành sự đảo chiều.
Comments