![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_17596313d9e74dae864485f224924e34~mv2.jpg/v1/fill/w_800,h_501,al_c,q_85,enc_auto/53e601_17596313d9e74dae864485f224924e34~mv2.jpg)
Sau khi đã tìm hiểu những đặc điểm đầu tiên để phân tích ngành bán lẻ, chúng tôi xin cung cấp các nhà đầu tư tìm hiểu sâu hơn nữa về ngành này, từ đó có những quyết định đầu tư hợp lý.
4. Tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng cũ (Same-Store Sales)
Doanh thu trên mỗi cửa hàng cũ (Same-Store Sales): doanh thu của cửa hàng đã mở trên 12 tháng so với năm ngoái.
Số liệu này có thể cho các nhà đầu tư biết bao nhiêu phần trăm doanh thu đến từ việc mở cửa hàng mới và bao nhiêu doanh thu tăng trưởng từ các cửa hàng đã mở trên 12 tháng.
Nếu SSS tăng mạnh là dấu hiệu doanh nghiệp nên mở thêm nhiều cửa hàng trong khu vực vì có nhiều nhu cầu. Nếu SSS giảm hoặc về 0% là dấu hiệu khu vực đó đã bão hòa hoặc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hoặc thị hiếu khách hàng đã thay đổi.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng đã hoạt động trên 12 tháng có thể dễ dàng tìm thấy trên website của Thế Giới Di Động (MWG). Đối với những nhà bán lẻ chưa công bố thông tin này. Nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm thông qua báo cáo của các công ty chứng khoán. Hoặc sẽ phải email, gọi điện thoại đến phòng quan hệ cổ đông của công ty đó. Chúng ta hãy hy vọng rằng trong tương lai tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực công bố nhiều thông tin hữu ích đến cổ đông giống như Thế Giới Di Động.
Nói tóm lại, tăng trưởng doanh thu phải đi kèm với tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ, nếu không công ty sẽ rơi vào tình trạng tăng nóng, không kiểm soát được dòng tiền và rơi vào cảnh mượn thêm nợ vay để duy trì hoạt động.
5. Kiểm tra xu hướng hàng tồn kho và các khoản phải thu
Các nhà đầu tư nên xem xét xu hướng hàng tồn kho và các khoản phải thu qua các quý và các năm. Nếu mọi chuyện đều ổn, hai khoản này sẽ tăng cùng tốc độ với doanh thu. Tuy nhiên, nếu hàng tồn kho tăng nhanh hơn doanh thu, điều đó có thể cho thấy công ty không thể bán một số hàng hóa nhất định.
Thật không may, khi điều này xảy ra, các công ty chỉ còn lại hai lựa chọn: hoặc bán sản phẩm ở mức giá thực sự thấp và hy sinh lợi nhuận, hoặc họ xóa sổ hoàn toàn hàng hóa (bằng cách ghi nhận giá trị bằng 0 và đưa vào chi phí làm giảm thu nhập chịu thuế). Tùy chọn thứ hai có thể tác động xấu đến thu nhập.
Nếu các khoản phải thu tăng nhanh hơn doanh thu, điều này có thể cho thấy công ty không được thanh toán kịp thời và có thể dẫn đến giảm tốc độ bán hàng trong tương lai. Tóm lại, các thay đổi trong hàng tồn kho và các khoản phải thu cần được theo dõi chặt chẽ, vì chúng có thể báo hiệu những biến động trong tương lai về doanh thu và thu nhập.
6. Doanh số trên mỗi mét vuông
Doanh số trên mỗi mét vuông cho thấy ban lãnh đạo công ty đang sử dụng tài nguyên, không gian lưu trữ có hiệu quả hay không. Chỉ số này càng cao thì càng tốt cho công ty.
Các nhà đầu tư có thể so sánh chỉ số này giữa các nhà bán lẻ cùng một loại mặt hàng để biết được doanh nghiệp nào đang tận dụng mặt bằng và kinh doanh hiệu quả hơn.
Số liệu này có thể được công bố trong các cuộc họp báo giữa doanh nghiệp và báo chí hoặc nhà phân tích. Các nhà đầu tư cũng có thể liên hệ với phòng quản lý cổ đông để hỏi về chỉ số này.
(Còn tiếp)
Comments