![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_224f31c52be840fb94e1a234d8edd6c1~mv2.png/v1/fill/w_840,h_616,al_c,q_90,enc_auto/53e601_224f31c52be840fb94e1a234d8edd6c1~mv2.png)
Để hiểu và đánh giá đúng về các công ty bán lẻ tưởng dễ mà khó, vì ngành bán lẻ có những yếu tố đặc thù riêng của nó. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho bạn những cách thức có thể đánh giá đúng về ngành này.
Mặc dù các sản phẩm bán lẻ tương đối dễ hiểu, phân tích các công ty bán lẻ lại là một câu chuyện khác vì tăng trưởng lợi nhuận, yếu tố chu kỳ của mỗi công ty phụ thuộc vào loại mặt hàng mà họ kinh doanh. Chính vì vậy ngành bán lẻ đối với một nhà phân tích cổ phiếu mà nói rất đa dạng. Tuy nhiên, dựa trên mặt hàng kinh doanh, nhìn chung có thể chia ngành bán lẻ tại Việt Nam thành 5 lĩnh vực chính:
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_c88aac00d6d641339b90e9a176e4ae0b~mv2.png/v1/fill/w_636,h_561,al_c,q_85,enc_auto/53e601_c88aac00d6d641339b90e9a176e4ae0b~mv2.png)
Quy mô ngành bán lẻ Việt Nam cũng rất lớn. Theo tổng cục thống kê quy mô ngành bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 3.9 triệu tỷ đồng hay khoảng 172,8 tỷ USD. Thế nhưng, doanh số các hãng bán lẻ niêm yết trên sàn trong năm 2020 chỉ chiếm chưa đầy 5% toàn thị trường cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Doanh số một số nhà bán lẻ được niêm yết 2020
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_4bed9bdddb1b4f80a362e42eaf1c06b7~mv2.png/v1/fill/w_624,h_343,al_c,q_85,enc_auto/53e601_4bed9bdddb1b4f80a362e42eaf1c06b7~mv2.png)
Đáng nói hơn tăng trưởng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ở mức hai con số. Chỉ có năm 2020, tăng trưởng mới chậm lại do ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng số liệu sau đại dịch có thể bùng nổ trở lại khi nhu cầu tiêu dùng bị kiềm nén lâu.
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_e028bc42b50e48308f51baee91026f24~mv2.png/v1/fill/w_561,h_366,al_c,q_85,enc_auto/53e601_e028bc42b50e48308f51baee91026f24~mv2.png)
Với dân số trên 100 triệu dân, thu nhập ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng không ngừng tăng lên, VIệt Nam được xem là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải nhà bán lẻ nào cũng thành công ở Việt Nam dù đó là những tên tuổi nổi tiếng thế giới. (https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ban-le-su-dao-thai-khac-nghiet-post212272.html)
Lý do chính chính là việc thất bại trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng địa phương.
Chính vì vậy để phân tích một nhà bán lẻ, nhà đầu tư cần chú ý đến yếu tố nhanh nhạy của ban lãnh đạo trong việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, độ phủ cửa hàng, sức mạnh với bạn hàng, quản lý hàng tồn kho và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.
Chúng tôi cho rằng có 9 bước đơn giản mà nhà đầu tư có thể thực hiện để bắt tay vào phân tích một nhà bán lẻ.
1. Đến thăm các cửa hàng
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_9ef244bd47ee407a9bebf2757a7ec346~mv2.png/v1/fill/w_760,h_570,al_c,q_90,enc_auto/53e601_9ef244bd47ee407a9bebf2757a7ec346~mv2.png)
Một nhà đầu tư có thể học được nhiều điều chỉ bằng cách quan sát các lối đi của một cửa hàng bán lẻ. Cách bố trí, tình trạng sẵn có và hình thức của hàng hóa cũng như giá có thể cung cấp những thông tin mà bạn không thể thu thập được từ bảng cân đối kế toán. Theo quy luật, các nhà đầu tư nên ưu tiên nhìn vào các cửa hàng đủ ánh sáng và hàng hóa được trưng bày gọn gàng, hợp thời, và hiếm khi giảm giá.
Một nhà đầu tư hiểu biết cũng sẽ lưu ý đến lưu lượng khách hàng. Cửa hàng này có đông khách không? Có dòng người đứng chờ ở quầy tính tiền không? Người mua sắm đang mua với số lượng lớn các mặt hàng giá cao hay lượn lờ quanh các mặt hàng giảm giá? Một nhà đầu tư nên suy ngẫm về những câu hỏi này để giúp họ xác định tình trạng chung của công ty.
![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_ffb6a80226b640f3be02e772fb7bafd9~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_368,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/53e601_ffb6a80226b640f3be02e772fb7bafd9~mv2.jpg)
Nếu công ty có sự hiện diện trên kênh trực tuyến thì hãy làm tương tự với trang web của công ty. Dạo quanh trên giao diện website. Hãy chú ý đến sự hấp dẫn của bố cục trang web, giá cả, sự dễ dàng của quá trình thanh toán và chất lượng dịch vụ khách hàng. Đồng thời tìm các đánh giá của bên thứ ba (các diễn đàn, hội nhóm) trên mạng.
2. Phân tích các hoạt động khuyến mại
Công ty có đang chạy các chương trình khuyến mãi để tăng lượng người ghé thăm hoặc tăng thu nhập không? Liệu công ty có đang cố gắng lấy từng đồng cuối cùng từ người tiêu dùng trong lúc tuyệt vọng vì không thể bán được hàng không? Những câu hỏi này vô cùng quan trọng để xem xét. Các chương trình giảm giá sâu trước khi kết thúc mùa bán hàng ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.
Ghé thăm cửa hàng và xem xét các thông báo hàng tuần hoặc các quảng cáo trực tuyến có thể cho nhà đầu tư biết liệu công ty có đang cầu xin người mua đến cửa hàng hay không, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy công ty đang hướng đến một mùa kết quả thu nhập kém.
3. Kiểm tra xu hướng lãi gộp
Các nhà đầu tư nên tìm kiếm tỷ suất tăng trưởng lợi nhuận gộp qua từng quý và hàng năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên lưu ý các hiệu ứng thời vụ. Hầu hết các nhà bán lẻ đều ghi nhận doanh thu tăng vọt trong quý 4 so với quý 3 do đây là giai đoạn nghỉ lễ. Xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ cung cấp cho nhà đầu tư ý tưởng tốt hơn về thu nhập kỳ hiện tại
Các nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác với các công ty ghi nhận sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận gộp (qua từng quý hoặc hàng năm). Những công ty đó có thể đang trải qua sự sụt giảm về doanh thu hoặc lưu lượng khách hàng, tăng chi phí hàng hóa, và/hoặc phải hạ giá thành sản phẩm mạnh để đẩy chúng đi, tất cả những trường hợp trên đều có thể gây bất lợi cho tăng trưởng thu nhập.
(Còn tiếp)
Comments