![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_7de7c1578b1045c9a8884640641a706a~mv2.png/v1/fill/w_642,h_301,al_c,q_85,enc_auto/53e601_7de7c1578b1045c9a8884640641a706a~mv2.png)
Các công ty bảo hiểm tại Việt Nam có thể được chia làm hai nhóm chính theo đặc trưng của sản phẩm phân phối là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 10 công ty bảo hiểm niêm yết với phần lớn là các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (ngoại trừ BVH kinh doanh cả hai mảng nhân thọ và phi nhân thọ). Do vậy, bài viết này sẽ tập trung vào phân tích những đặc điểm kinh doanh, chỉ số tài chính, hoạt động của công ty bảo hiểm phi nhân thọ điển hình để giúp các bạn lựa chọn đúng cổ phiếu ngành bảo hiểm.
Đặc điểm hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm phi nhân thọ
Tùy theo mỗi công ty sẽ có các nghiệp vụ sản phẩm khác nhau, tuy nhiên, một công ty BHPNT thông thường sẽ có 4 nhóm nghiệp vụ chính là bảo hiểm sức khỏe (con người), bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Lợi nhuận của một công ty BHPNT sẽ tới từ hai phần chính là (i) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; và (ii) lợi nhuận từ hoạt động tài chính.
(i) Hoạt động kinh doanh bảo hiểm: đây là mảng nghiệp vụ cốt lõi và đóng góp phần lớn vào doanh thu của một công ty BHPNT. Tuy nhiên, do đặc thù nghiệp vụ, các công ty BHPNT sẽ phải tốn một chi phí rất lớn cho hoạt động kinh doanh. Các chi phí lớn, đáng kể bao gồm:
- Chi phí bồi thường: là chi phí bồi thường cho những sự vụ bảo hiểm phát sinh xảy ra thực tế theo năm. Đây là khoản chi phí khó dự đoán của các công ty BHPHT và thường sẽ tăng cao nếu công ty BHPNT tập trung phát triển 2 mảng sản phẩm bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới; hoặc có thiên tai, thảm họa đặc biệt xảy ra trong năm.
- Chi hoa hồng bảo hiểm: là khoản chi phí được chi trả theo phần trăm dành cho môi giới hoặc ngân hàng hợp tác bán bảo hiểm (đối với sản phẩm bancassurance) tùy theo thỏa thuận.
- Chi dự phòng bảo hiểm: là phần dự phòng giữ lại từ doanh thu phí bảo hiểm gốc cho những sự vụ bảo hiểm phát sinh trong tương lại để tính toán doanh thu phí bảo hiểm thuần. Chi phí dự phòng được tính toán theo quy định của Bộ Tài chính và có sự khác biệt trong cách tính dự phòng của từng công ty bảo hiểm.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tuy mang lại doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp nhưng cũng phát sinh chi phí rất lớn đi kèm. Do vậy, đây không phải mảng hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty BHPNT
(ii) Hoạt động đầu tư tài chính: đây là mảng nghiệp vụ đem lại lợi nhuận chính cho công ty BHPNT. Các công ty BHPNT được phép đầu tư vào các sản phẩm tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, ủy thác đầu tư,…) theo giới hạn cho phép của Bộ Tài chính. Trong đó, nguồn vốn để đầu tư của công ty BHPNT được tới chủ yếu từ (i) vốn chủ sở hữu của công ty và (ii) nguồn dự phòng nhàn rỗi (tham khảo thêm cách xác định nguồn vốn đầu tư tại Nghị định 76/2016/NĐ-CP). Do vậy, công ty bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm thuần càng cao thì nguồn vốn đầu tư càng lớn, từ đó tạo ra lợi nhuận tài chính cao. Chi phí hoạt động tài chính là không đáng kể nếu công ty tự đầu tư và không phát sinh khoản vay lớn.
Comments