![](https://static.wixstatic.com/media/53e601_910f02653107401c9ab5b69d37c611aa~mv2.png/v1/fill/w_457,h_291,al_c,q_85,enc_auto/53e601_910f02653107401c9ab5b69d37c611aa~mv2.png)
Tổng quan
Chi phí của các tài sản kinh doanh có thể được phân bổ hàng năm trong suốt thời gian sử dụng của tài sản. Khấu hao tài sản vô hình so với khấu hao tài sản hữu hình là hai phương pháp tính toán giá trị cho các tài sản kinh doanh đó. Các khoản chi phí sau đó được sử dụng như một khoản khấu trừ thuế làm giảm nghĩa vụ nộp thuế cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét khấu hao tài sản vô hình, khấu hao tài sản hữu hình và một phương pháp phổ biến khác được các doanh nghiệp sử dụng để phân bổ một tài sản nguyên giá. Sự khác biệt chính giữa ba phương pháp liên quan đến loại tài sản được sử dụng.
CÁC NỘI DUNG CHÍNH
Khấu hao tài sản vô hình và khấu hao tài sản hữu hình là hai phương pháp tính giá trị tài sản kinh doanh theo thời gian.
Doanh nghiệp sẽ tính toán các khoản chi phí này để khấu trừ thuế và giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Khấu hao tài sản vô hình là một phương thức phân bổ chi phí của một tài sản vô hình trong suốt thời gian hữu dụng của tài sản đó.
Khấu hao tài sản hữu hình là việc phân bổ chi phí tài sản cố định trong suốt vòng đời hữu ích của nó.
Phương pháp thứ ba để phân bổ chi phí tài sản kinh doanh là phương pháp hao tổn, là phương pháp kế toán dồn tích được sử dụng bởi các doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên từ trái đất - chẳng hạn như gỗ, dầu và khoáng sản.
Khấu hao tài sản vô hình
Khấu hao tài sản vô hình là một phương thức phân bổ chi phí của một tài sản vô hình trong suốt thời gian hữu dụng của tài sản đó. Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất. Ví dụ về tài sản vô hình:
Bằng sáng chế và nhãn hiệu
Thỏa thuận nhượng quyền
Các quy trình đăng ký độc quyền, chẳng hạn như bản quyền
Chi phí phát hành trái phiếu để huy động vốn
Chi phí tổ chức
Không giống như khấu hao tài sản hữu hình, khấu hao tài sản vô hình thường được tính theo phương pháp đường thẳng, có nghĩa là một số tiền cố định được phân bổ trong từng thời kỳ trong suốt thời gian hữu dụng của tài sản. Ngoài ra, các tài sản được sử dụng phương pháp khấu hao tài sản vô hình thường không có bất kỳ giá trị bán lại hoặc thu hồi nào, không giống như với khấu hao tài sản hữu hình.
Điều quan trọng cần lưu ý là bối cảnh khi sử dụng thuật ngữ amortization, vì nó mang một ý nghĩa khác. Lịch biểu chi trả dần (amortization schedule) thường được sử dụng để tính toán đầy đủ các khoản thanh toán định kỳ cho một khoản vay bao gồm số tiền gốc và số tiền lãi cần phải trả trong mỗi đợt thanh toán, như trong trường hợp thế chấp.
Lưu ý: Thuật ngữ amortization được sử dụng trong cả kế toán và cho vay với các định nghĩa và cách sử dụng hoàn toàn khác nhau.
Khấu hao tài sản hữu hình
Khấu hao tài sản hữu hình là việc phân bổ chi phí tài sản cố định trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của nó. Tài sản cố định là tài sản hữu hình, có nghĩa là tài sản vật chất có thể chạm vào được. Một số ví dụ về tài sản cố định hoặc tài sản hữu hình thường được khấu hao bao gồm:
Các tòa nhà
Trang thiết bị
Nội thất văn phòng
Phương tiện vận chuyển
Đất đai
Máy móc
Vì tài sản hữu hình có thể còn giá trị vào cuối vòng đời của chúng, nên khấu hao tài sản hữu hình được tính bằng cách trừ giá trị thu hồi hoặc giá trị bán lại của tài sản đó khỏi nguyên giá tài sản. Khoản chênh lệch được khấu hao đều qua các năm trong vòng đời dự kiến của tài sản. Nói cách khác, số tiền khấu hao tài sản hữu hình được phân bổ trong mỗi năm là một khoản khấu trừ thuế cho doanh nghiệp cho đến khi kết thúc thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
Ví dụ, một tòa nhà văn phòng có thể được sử dụng trong nhiều năm trước khi nó xuống cấp và được bán. Chi phí của tòa nhà được phân bổ trong suốt vòng đời dự đoán của nó, với một phần chi phí được tính trong mỗi niên độ kế toán.
Việc khấu hao một số tài sản cố định có thể được thực hiện bằng phương pháp khấu hao nhanh, có nghĩa là một phần lớn giá trị của tài sản được ghi nhận chi phí trong những năm đầu của vòng đời tài sản. Ví dụ, các phương tiện vận chuyển thường được ghi nhận chi phí khấu hao bằng phương pháp khấu hao nhanh.
Lưu ý đặc biệt
Hao tổn (depletion) là một cách khác để xác minh chi phí của tài sản kinh doanh. Nó đề cập đến việc phân bổ chi phí tài nguyên thiên nhiên theo thời gian. Ví dụ, một giếng dầu có tuổi thọ hữu hạn trước khi tất cả dầu được bơm hết. Do đó, chi phí thiết lập giếng dầu được phân bổ theo tuổi thọ dự đoán của giếng.
Hai hình thức cơ bản của trợ cấp hao tổn tài nguyên là hao tổn theo tỷ lệ phần trăm (percentage depletion) và suy giảm chi phí (cost depletion). Phương pháp hao tổn theo tỷ lệ phần trăm cho phép một doanh nghiệp ấn định một tỷ lệ phần trăm suy giảm cố định cho tổng thu nhập nhận được từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Phương pháp suy giảm chi phí tính đến cơ sở của tài sản, tổng dự trữ có thể thu hồi và số lượng đơn vị đã bán.
Với khấu hao tài sản vô hình, khấu hao tài sản hữu hình và hao tổn, cả ba phương pháp đều là chi phí không dùng tiền mặt và không có tiền mặt được tiêu trong những năm chi phí được ghi nhận. Ngoài ra, cần lưu ý là ở một số quốc gia, chẳng hạn như Canada, các thuật ngữ amortization và depreciation thường được sử dụng thay thế cho nhau để chỉ cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
Comments